Hiển thị các bài đăng có nhãn Triệu Chứng Bệnh Gout. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Triệu Chứng Bệnh Gout. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Bệnh Gút Là Gì?

Gút là một trong những dạng viêm khớp gây đau đớn nhất. Bệnh gút xảy ra khi có quá nhiều axit uric tích tụ trong cơ thể. Việc tích tụ axit uric có thể dẫn đến:

  • Các tinh thể axit uric sắc nhọn lắng đọng lại ở các khớp, thường ở ngón chân cái
  • Các lớp axit uric lắng đọng (được gọi là sạn urat) trông giống như những cục u dưới da
  • Sỏi thận từ các tinh thể axit uric trong thận.
  • Đối với nhiều người, cơn đau đầu tiên do bệnh gút xảy ra ở ngón chân cái. Thông thường, cơn đau đó khiến một người đang ngủ phải tỉnh dậy. Ngón chân rất đau, tấy đỏ, ấm và sưng lên.

Bệnh gút có thể gây ra:

  • Đau
  • Sưng
  • Tấy đỏ
  • Nóng
  • Cứng khớp.

Ngoài ngón chân cái, bệnh gút có thể ảnh hưởng đến:

  • Mu bàn chân
  • Mắt cá chân
  • Gót chân
  • Đầu gối
  • Cổ tay
  • Ngón tay
  • Khuỷu tay.
  • Cơn đau do bệnh gút có thể gây ra do các sự kiện căng thẳng, rượu hoặc ma túy hay một bệnh khác. Các cơn đau ban đầu thường thuyên giảm trong vòng 3 đến 10 ngày, ngay cả khi không điều trị. Các cơn đau tiếp theo có thể không xuất hiện trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.

Những Nguyên Nhân Nào Gây Ra Bệnh Gút?

Bệnh gút là do sự tích tụ quá nhiều axit uric trong cơ thể gây ra. Axit uric được sản sinh từ sự phân hủy của các chất gọi là purin. Purin có trong tất cả các mô của cơ thể. Các chất này cũng có trong nhiều loại thực phẩm, chẳng hạn như gan, các loại đậu và đậu Hà Lan khô và cá cơm.

Thông thường, axit uric hòa tan trong máu. Nó bài tiết qua thận và ra khỏi cơ thể trong nước tiểu. Tuy nhiên, axit uric có thể tích tụ lại trong máu khi:
  • Gia tăng lượng axit uric cơ thể tạo ra.
  • Thận không bài tiết hết axit uric.
  • Ăn quá nhiều loại thực phẩm giàu purin.
Khi nồng độ axit uric trong máu cao, điều này được gọi là tăng axit uric huyết. Hầu hết những người tăng axit uric huyết không gây nên bệnh gút. Nhưng nếu có quá nhiều tinh thể axit uric hình thành trong cơ thể thì có thể gây nên bệnh gút.

Quý vị có nhiều khả năng mắc bệnh gút hơn nếu:

  • Có thành viên trong gia đình mắc bệnh này
  • Là đàn ông
  • Thừa cân
  • Uống quá nhiều rượu
  • Ăn quá nhiều thực phẩm giàu purin
  • Có khiếm khuyết về enzim làm cho cơ thể khó phân hủy purin
  • Bị phơi nhiễm chì trong môi trường
  • Đã cấy ghép bộ phận
  • Sử dụng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, aspirin, cyclosporin hoặc levodopa
  • Sử dụng vitamin niacin.

Chẩn Đoán Bệnh Gút Bằng Cách Nào?

Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, bệnh sử của quý vị và tiền sử gia đình về bệnh gút. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh gút bao gồm:
  1. Tăng axit uric huyết (hàm lượng axit uric trong máu cao)
  2. Tinh thể axit uric trong dịch khớp
  3. Nhiều cơn đau do viêm khớp cấp tính
  4. Viêm khớp phát triển trong 1 ngày, dẫn đến khớp bị sưng, tấy đỏ và nóng lên
  5. Các cơn đau do viêm khớp chỉ ở một khớp, thường là ngón chân, mắt cá chân hoặc đầu gối.
Để xác nhận chẩn đoán về bệnh gút, bác sĩ có thể lấy mẫu chất dịch từ khớp bị viêm để tìm các tinh thể liên quan đến bệnh gút.

Điều Trị Bệnh Gút Như Thế Nào?

Các bác sĩ sử dụng dược phẩm để điều trị cơn đau cấp tính do bệnh gút, bao gồm:
  • Thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID)
  • Corticosteroid (Steroid được tiết ra từ vỏ thượng thận), chẳng hạn như prednisone
  • Conchixin, hoạt động tốt nhất khi sử dụng trong vòng 12 giờ đầu tiên của cơn đau cấp tính.
Đôi khi các bác sĩ kê toa NSAID hoặc conchixin ở các liều nhỏ hàng ngày để ngăn chặn các cơn đau sau này. Ngoài ra cũng có các loại dược phẩm giúp giảm lượng axit uric trong máu.

Những Người Bị Bệnh Gút Có Thể Làm Gì Để Giữ Gìn Sức Khỏe?

Một số điều quý vị có thể làm để giữ sức khỏe đó là:
  • Sử dụng các loại thuốc theo toa bác sĩ theo chỉ dẫn.
  • Cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc và vitamin quý vị sử dụng.
  • Lên kế hoạch cho các lần thăm khám theo dõi với bác sĩ của quý vị.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. Tránh các loại thực phẩm giàu purin và uống nhiều nước.
  • Tập thể dục thường xuyên và duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh. Hãy hỏi bác sĩ của quý vị về cách giảm cân an toàn. Giảm cân nhanh hoặc quá nhiều có thể làm tăng nồng độ axit uric trong máu.

Nghiên Cứu Nào Đang Được Tiến Hành về Bệnh Gút?

Các nhà khoa học đang nghiên cứu:
  • Các loại NSAID nào điều trị bệnh gút hiệu quả nhất
  • Liều lượng dược phẩm tối ưu cho bệnh gút
  • Các loại dược phẩm mới giúp làm giảm axit uric trong máu và giảm triệu chứng một cách an toàn
  • Các liệu pháp mới để ngăn chặn hóa chất được gọi là yếu tố hoại tử khối u
  • Các enzim phân hủy purin trong cơ thể
  • Vai trò của thực phẩm và một số vitamin
  • Vai trò của các yếu tố di truyền và môi trường
  • Sự tương tác giữa các tế bào liên quan đến cơn đau cấp tính do bệnh gút.
Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu về vai trò của các yếu tố di truyền học và môi trường trong viêc tăng axit uric huyết và bệnh gút.

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

Triệu chứng của gout mạn tính

Gout mạn tính biểu hiện bằng dấu hiệu nổi các cục u (tôphi) và viêm đa khớp mạn tính, do đó còn được gọi là “gout lắng đọng”. Gout mạn tính có thể tiếp theo gout cấp tính. Nhưng phần lớn là bắt đầu từ từ tăng dần không qua các đợt cấp. * Triệu chứng lâm sàng ở khớp:
Bàn tay bệnh nhân Gout mạn tính
  - Nổi u cục (tophi): là hiện tượng lắng đọng urat ở xung quanh khớp, ở màng hoạt dịch, đầu xương, sụn...

+ Vị trí: u cục (tôphi) thấy ở trên các khớp bàn ngón chân cái, các ngón khác, cổ chân, gối, khuỷu, cổ tay, bàn ngón tay và đốt ngón gần, có một vị trí rất đặc biệt là trên sụn vành tai. Chưa thấy ở háng, vai và cột sống.

+ Tính chất: kích thước to nhỏ không đồng đều, từ vài milimet đến nhiều centimet đường kính, lồi lõm, hơi chắc hoặc mềm, không di động do dính vào nền ở dưới, không đối xứng (2 bên) và không cân đối, ấn vào không đau, được bọc bởi một lớp da mỏng, phía dưới thấy cặn trắng như phấn, đôi khi da bị loét và dễ chảy nước vàng và chất trắng như phấn.

- Viêm đa khớp: Các khớp nhỏ và nhỡ bị viêm là bàn ngón chân và tay, đốt ngón gần, cổ tay, gối, khuỷu, viêm có tính chất đối xứng, biểu hiện viêm thường nhẹ, không đau nhiều, diễn biến khá chậm, các khớp háng, vai và cột sống không bị tổn thương.


- Biểu hiện ngoài khớp :

+ Urat có thể lắng đọng ở thận dưới hai hình thức :

Lắng đọng rải rác ở nhu mô thận: hoặc không thể hiện triệu chứng gì, chỉ phát hiện qua giải phẫu bệnh, hoặc gây viêm thận bể thận.

Gây sỏi đường tiết niệu: sỏi acid uric ít cản quang, chụp thường khó thấy, phát hiện bằng siêu âm, chụp U.I.V. Sỏi thận dễ dẫn tới viêm nhiễm, suy thận. Đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định tiên lượng của bệnh.

+ Urat có thể lắng đọng ở một số cơ quan ngoài khớp như:

Gân, túi thanh dịch, có thể gây đứt hoặc chèn ép thần kinh (hội chứng đường hầm).

Ngoài da và móng tay móng chân: thành từng vùng và mảng dễ nhầm với bệnh ngoài da khác  (vẩy nến, nấm).

Tim: urat có thể lắng đọng ở màng ngoài tim, cơ tim, có khi cả van tim nhưng rất hiếm.

* Xét nghiệm và X quang:

- Xét nghiệm:

+ Tốc độ lắng máu tăng trong đợt tiến triển của bệnh. Các xét nghiệm khác không có gì thay đổi.

+ Acid uric máu tăng trên 7mg% (trên 416 micromol/l).

+ Acid uric niệu/24h: bình thường từ 400-450mg, tăng nhiều trong gout nguyên phát; giảm rõ với gout thứ phát sau bệnh thận.

Dịch khớp có biểu hiện viêm rõ rệt (lượng muxin giảm, bạch cầu tăng nhiều). Đặc biệt thấy những tinh thể urat monosodic nằm trong hoặc ngoài tế bào.

+ X quang: Dấu hiệu quan trọng nhất của bệnh là khuyết xương hình hốc ở các đầu xương, hay gặp ở xương đốt ngón chân, tay, xương bàn tay, chân, đôi khi ở cổ tay, chân, khuỷu và gối. Khuyết lúc đầu ở dưới sụn khớp và vỏ xương, như phần vỏ được thổi vào, bung ra (hình lưỡi liềm), khe khớp hẹp rõ rệt. Sau cùng hình khuyết lớn dần và tạo nên hình hủy xương rộng xung quanh có những vết vôi hoá. Nếu bệnh tiến triển lâu có thể thấy những hình ảnh thoái hóa thứ phát (hình gai xương).


Tags: Benh vien noi tiet, bệnh viện nội tiết