Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyên Nhân Bệnh Gout. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyên Nhân Bệnh Gout. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Bệnh Gút Là Gì?

Gút là một trong những dạng viêm khớp gây đau đớn nhất. Bệnh gút xảy ra khi có quá nhiều axit uric tích tụ trong cơ thể. Việc tích tụ axit uric có thể dẫn đến:

  • Các tinh thể axit uric sắc nhọn lắng đọng lại ở các khớp, thường ở ngón chân cái
  • Các lớp axit uric lắng đọng (được gọi là sạn urat) trông giống như những cục u dưới da
  • Sỏi thận từ các tinh thể axit uric trong thận.
  • Đối với nhiều người, cơn đau đầu tiên do bệnh gút xảy ra ở ngón chân cái. Thông thường, cơn đau đó khiến một người đang ngủ phải tỉnh dậy. Ngón chân rất đau, tấy đỏ, ấm và sưng lên.

Bệnh gút có thể gây ra:

  • Đau
  • Sưng
  • Tấy đỏ
  • Nóng
  • Cứng khớp.

Ngoài ngón chân cái, bệnh gút có thể ảnh hưởng đến:

  • Mu bàn chân
  • Mắt cá chân
  • Gót chân
  • Đầu gối
  • Cổ tay
  • Ngón tay
  • Khuỷu tay.
  • Cơn đau do bệnh gút có thể gây ra do các sự kiện căng thẳng, rượu hoặc ma túy hay một bệnh khác. Các cơn đau ban đầu thường thuyên giảm trong vòng 3 đến 10 ngày, ngay cả khi không điều trị. Các cơn đau tiếp theo có thể không xuất hiện trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.

Những Nguyên Nhân Nào Gây Ra Bệnh Gút?

Bệnh gút là do sự tích tụ quá nhiều axit uric trong cơ thể gây ra. Axit uric được sản sinh từ sự phân hủy của các chất gọi là purin. Purin có trong tất cả các mô của cơ thể. Các chất này cũng có trong nhiều loại thực phẩm, chẳng hạn như gan, các loại đậu và đậu Hà Lan khô và cá cơm.

Thông thường, axit uric hòa tan trong máu. Nó bài tiết qua thận và ra khỏi cơ thể trong nước tiểu. Tuy nhiên, axit uric có thể tích tụ lại trong máu khi:
  • Gia tăng lượng axit uric cơ thể tạo ra.
  • Thận không bài tiết hết axit uric.
  • Ăn quá nhiều loại thực phẩm giàu purin.
Khi nồng độ axit uric trong máu cao, điều này được gọi là tăng axit uric huyết. Hầu hết những người tăng axit uric huyết không gây nên bệnh gút. Nhưng nếu có quá nhiều tinh thể axit uric hình thành trong cơ thể thì có thể gây nên bệnh gút.

Quý vị có nhiều khả năng mắc bệnh gút hơn nếu:

  • Có thành viên trong gia đình mắc bệnh này
  • Là đàn ông
  • Thừa cân
  • Uống quá nhiều rượu
  • Ăn quá nhiều thực phẩm giàu purin
  • Có khiếm khuyết về enzim làm cho cơ thể khó phân hủy purin
  • Bị phơi nhiễm chì trong môi trường
  • Đã cấy ghép bộ phận
  • Sử dụng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, aspirin, cyclosporin hoặc levodopa
  • Sử dụng vitamin niacin.

Chẩn Đoán Bệnh Gút Bằng Cách Nào?

Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, bệnh sử của quý vị và tiền sử gia đình về bệnh gút. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh gút bao gồm:
  1. Tăng axit uric huyết (hàm lượng axit uric trong máu cao)
  2. Tinh thể axit uric trong dịch khớp
  3. Nhiều cơn đau do viêm khớp cấp tính
  4. Viêm khớp phát triển trong 1 ngày, dẫn đến khớp bị sưng, tấy đỏ và nóng lên
  5. Các cơn đau do viêm khớp chỉ ở một khớp, thường là ngón chân, mắt cá chân hoặc đầu gối.
Để xác nhận chẩn đoán về bệnh gút, bác sĩ có thể lấy mẫu chất dịch từ khớp bị viêm để tìm các tinh thể liên quan đến bệnh gút.

Điều Trị Bệnh Gút Như Thế Nào?

Các bác sĩ sử dụng dược phẩm để điều trị cơn đau cấp tính do bệnh gút, bao gồm:
  • Thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID)
  • Corticosteroid (Steroid được tiết ra từ vỏ thượng thận), chẳng hạn như prednisone
  • Conchixin, hoạt động tốt nhất khi sử dụng trong vòng 12 giờ đầu tiên của cơn đau cấp tính.
Đôi khi các bác sĩ kê toa NSAID hoặc conchixin ở các liều nhỏ hàng ngày để ngăn chặn các cơn đau sau này. Ngoài ra cũng có các loại dược phẩm giúp giảm lượng axit uric trong máu.

Những Người Bị Bệnh Gút Có Thể Làm Gì Để Giữ Gìn Sức Khỏe?

Một số điều quý vị có thể làm để giữ sức khỏe đó là:
  • Sử dụng các loại thuốc theo toa bác sĩ theo chỉ dẫn.
  • Cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc và vitamin quý vị sử dụng.
  • Lên kế hoạch cho các lần thăm khám theo dõi với bác sĩ của quý vị.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. Tránh các loại thực phẩm giàu purin và uống nhiều nước.
  • Tập thể dục thường xuyên và duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh. Hãy hỏi bác sĩ của quý vị về cách giảm cân an toàn. Giảm cân nhanh hoặc quá nhiều có thể làm tăng nồng độ axit uric trong máu.

Nghiên Cứu Nào Đang Được Tiến Hành về Bệnh Gút?

Các nhà khoa học đang nghiên cứu:
  • Các loại NSAID nào điều trị bệnh gút hiệu quả nhất
  • Liều lượng dược phẩm tối ưu cho bệnh gút
  • Các loại dược phẩm mới giúp làm giảm axit uric trong máu và giảm triệu chứng một cách an toàn
  • Các liệu pháp mới để ngăn chặn hóa chất được gọi là yếu tố hoại tử khối u
  • Các enzim phân hủy purin trong cơ thể
  • Vai trò của thực phẩm và một số vitamin
  • Vai trò của các yếu tố di truyền và môi trường
  • Sự tương tác giữa các tế bào liên quan đến cơn đau cấp tính do bệnh gút.
Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu về vai trò của các yếu tố di truyền học và môi trường trong viêc tăng axit uric huyết và bệnh gút.

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

Nguyên nhân gây bệnh Gout

Gout là một bệnh rối loạn về chuyển hóa liên quan đến việc tăng sản xuất hoặc giảm đào thải chất acid uric trong cơ thể. Có thể nói nguyên nhân trực tiếp gây bệnh gout là sự lắng đọng vi tinh thể muối urate natri tại các cơ quan trong cơ thể như: tại các khớp, tại tim, tại thận,...
Vi tinh thể muối urate natri là sản phẩm của acid uric kết tủa thành khi gặp điều kiện thuận lợi. Vì một lý do nào đó, hàm lượng purin trong cơ thể tăng, quá trình chuyển hóa chúng thành acid uric tăng. Khi cơ thể tạo ra quá nhiều acid uric hoặc thải acid này ra nước tiểu quá ít thì nồng độ acid uric trong máu tăng lên, sự chuyển hóa acid uric thành muối urat tăng theo dẫn tới sự lắng đọng những tinh thể muối urat sắc nhọn hình kim tại các khớp, sụn, xương, tổ chức dưới da, gây ra viêm sưng khớp và biểu hiện triệu chứng tại những vị trí lắng đọng.

Nguyên nhân gây tăng lượng acid uric

 Acid uric lắng tụ tại khớp

 Tăng bẩm sinh: bệnh Lesch - Nyhan: do thiếu men HGPT nên lượng acid uric tăng cao ngay từ nhỏ, bệnh có các biểu hiện về toàn thân, thần kinh, thận và khớp. trường hợp này rất hiếm và rất nặng.


Bệnh gout nguyên phát: là bệnh gắn liền với các yếu tố di truyền và cơ địa, những bệnh nhân này có quá trình tổng hợp purin nội sinh tăng nhiều gây tăng acid uric. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu của bệnh.

Bệnh gout thứ phát: acid uric trong máu có thể tăng thứ phát do những nguyên nhân sau :

- Do tiêu thụ những loại thức ăn có chứa nhiều purin (gan, lòng, thịt, cá, nấm, tôm, cua), uống nhiều rượu, bia. Thực ra đây chỉ là những tác nhân phát động bệnh hơn là nguyên nhân trực tiếp.

- Do trong cơ thể tăng cường thoái giáng purin nội sinh (phá hủy nhiều tế bào, tổ chức) liên quan đến các bệnh lý huyết học  như bệnh đa hồng cầu, leucemie kinh thể tủy, hodgkin, sarcom hạch, đa u tủy xương, hoặc do sử dụng những thuốc diệt tế bào để điều trị các bệnh u ác tính.

- Do giảm thải acid uric qua thận: viêm thận mạn tính, suy thận làm cho quá trình đào thải acid uric giảm và ứ lại gây bệnh.

Vai trò của acid uric trong viêm khớp

Trong bệnh gout, tinh thể urat monosodic lắng đọng ở màng hoạt dịch sẽ gây nên một loạt các phản ứng: 

- Hoạt tác yếu tố Hageman tại chỗ từ đó kích thích các tiền chất gây viêm Kininogen và Kallicreinogen trở thành kinin và kallicrein gây phản ứng viêm ở màng hoạt dịch.

- Từ phản ứng viêm, các bạch cầu sẽ tập trung tới, bạch cầu sẽ thực bào các vi tinh thể urat rồi giải phóng các men tiêu thể của bạch cầu (lysozim). Các men này cũng là một tác nhân gây viêm rất mạnh.

- Phản ứng viêm của màng hoạt dịch sẽ làm tăng chuyển hóa, sinh nhiều acid lactic tại chỗ và làm giảm độ pH, môi trường càng toan thì urat càng lắng đọng nhiều và phản ứng viêm ở đây trở thành một vòng khép kín liên tục, viêm sẽ kéo dài. Do đó, trên thực tế thấy hai thể bệnh gout: Thể bệnh gout cấp tính, quá trình viêm diễn biến trong một thời gian ngắn rồi chấm dứt, hay tái phát. Thể bệnh gout mạn tính quá trình lắng đọng urat nhiều và kéo dài, biểu hiện viêm sẽ liên tục không ngừng.

Tags: Benh vien noi tiet, bệnh viện nội tiết